Phú Thọ 24h - Cổng Tin Tức Nhanh Nhất

THỰC PHẨM

NỔI BẬT

CÔNG NGHỆ

KHOA HỌC

ĂN NGON

SỐNG KHỎE

NỔI BẬT

Xây dựng nông thôn mới ở Xuân Thủy còn lắm gian nan


Chương trình 229 đầu tư làm đường GTNT liên xóm ở Xuân Thủy có tổng chiều dài 9,8km nhưng đến nay mới làm được 2km, còn lại là đang giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho thực hiện tiêu chí về giao thông.


PTĐT- Cách trung tâm huyện khoảng 6km, xã Xuân Thủy có 12 khu, 1.100 gia đình với gần 5.000 nhân khẩu. Từ khi triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến nay, xã đã hoàn thành 12 tiêu chí, còn 7 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông, thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường và cơ sở vật chất nhà văn hóa, giáo dục. Theo kế hoạch, đến năm 2020 xã sẽ đạt chuẩn NTM, tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đó, xã còn nhiều khó khăn phải vượt qua.

Đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn vốn huy động lồng ghép các nguồn lực để xây dựng NTM được 17 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT cho bà con. Đồng chí Đinh Ngọc Khuyên - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong năm nay xã sẽ phấn đấu đạt tiêu chí thứ 5 về trường học và tiến tới là các tiêu chí như nhà ở dân cư, thu nhập và môi trường”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề khó khăn nhất đối với xã hiện nay là thực hiện tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Xuân Thủy là xã thuần nông, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 18 triệu đồng/người/năm, kế hoạch đặt ra năm 2017 là 20 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 là 25 triệu đồng/người/năm.

Để đạt được con số này, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo chương trình sản xuất nông nghiệp cơ bản theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra. Trong đó tập trung công tác khuyến nông, dịch vụ nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, vật tư phân bón, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất, lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa phương... Cùng với chương trình xây dựng NTM, kết hợp với các chương trình, dự án, xã đã mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao KHKT, áp dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Đến nay, các hộ dân đã chuyển dần sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa.

Chúng tôi vào thăm khu 10, 11, 12 (còn gọi là xóm Đù), nơi đại đa số các hộ dân là đồng bào dân tộc Dao và cảm nhận rõ nét sự khác xa so với những năm về trước của xóm Đù. Hiện nay, đường giao thông được bê tông hóa đến 90%, người dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, điện lưới Quốc gia kéo về đến tận hộ. Bà con nơi đây không còn phát nương làm rẫy, mà họ đã biết dựa vào rừng để làm giàu như trồng cây lâm nghiệp kết hợp với cây ngắn ngày và thực hiện tốt ký cam kết bảo vệ rừng. Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đến nay hộ nghèo toàn xã đã giảm còn 19,5%, góp phần giải quyết tiêu chí hộ nghèo và thu nhập bình quân.

Đối với tiêu chí về giao thông, hiện tại toàn xã có 58km đường trục xã, thôn, ngõ xóm đã xây dựng được 12,3km đường bê tông. Đây là một trong những thách thức không nhỏ của xã đối với xây dựng NTM vì xã có địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, hệ thống giao thông nội đồng, thôn, xóm đều phải làm mới, trong khi nguồn lực đầu tư chủ yếu trông chờ từ các nguồn vốn được cấp nên tiêu chí này phải đến năm 2020 mới hoàn thành. Mặc dù 100% khu dân cư trong xã có nhà văn hóa, song mới chỉ có 5 nhà đạt chuẩn còn lại đã xuống cấp. Số nhà ở chưa đạt chuẩn chủ yếu là các hộ nghèo, hộ mới tách, kinh tế còn khó khăn. Đối với tiêu chí về chợ dù đã đạt nhưng chợ Xuân Thủy được xây dựng từ năm 2003 bằng nguồn vốn 135 với diện tích 4.000m2, hiện nay mặt bằng của chợ chưa đảm bảo vì một nửa diện tích phía sau thấp hơn phía trước khoảng 2m. Theo nguyện vọng của bà con cần có sự đầu tư, nâng cấp để đảm bảo việc mua bán giao thương.

Qua 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, người dân Xuân Thủy đã hiến 37 nghìn m2 đất làm đường, phá bỏ 300m2 tường rào và 3.500 ngày công. Điều kiện kinh tế của xã và nhân dân còn khó khăn, trong khi đó, nguồn vốn xây dựng tiêu chí giao thông là rất lớn đòi hỏi Xuân Thủy cần có chủ trương, giải pháp thiết thực, nhất là việc xã hội hóa, huy động nguồn lực từ con em địa phương đang công tác ở ngoài để sớm đưa xã về đích NTM theo đúng lộ trình.


Thúy Hằng
Chi tiết

Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì năm 2016

Tối 12-4 (tức 6-3 âm lịch), tại đường Trần Phú quanh khu vực Công viên Văn Lang đã diễn ra Lễ hội văn hóa dân gian đường phố với sự tham gia của hơn 1.700 diễn viên quần chúng, nghệ nhân văn hóa dân gian đến từ các phường, xã trên địa bàn thành phố Việt Trì.




Tới dự có các đồng chí: Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Kế San - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Với chủ đề “Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn”, mở đầu Lễ hội là màn trình diễn và diễu hành đường phố của 8 đội rước kiệu bát cống theo sau là các xe mô hình mang biểu tượng: “Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”; “Cha Rồng - Mẹ Tiên”; “Bánh chưng, bánh giầy”, “Hồng Hạc Trì” và “Cá Anh Vũ”; “Tinh thần thượng võ thời Hùng Vương”; “Lễ hội Tịch điền”; “Hát Xoan”; “Lễ hội Bơi Chải truyền thống”; “Việt Trì - Hội nhập và phát triển” cùng các đội diễn xướng dân gian: Cướp Bông, ném Chài phường Vân Phú; Rước Giải - Hóa Giải, Ông Khiu - Bà Khiu xã Thanh Đình; múa lân, múa sư tử... Các đội rước vừa diễu hành dọc theo đường Trần Phú đoạn qua Công viên Văn Lang vừa trình diễn sinh động những tích, các trò dân gian truyền thống. Kết thúc màn diễu hành của các đội rước kiệu, 8 xe mô hình và các đội múa lân tiếp tục diễu hành qua các tuyến phố.

Lễ hội được tiếp nối với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc cùng màn múa trống “Âm vang ngày hội” và hai chương mang chủ đề: Âm vang Đất Tổ; Việt Trì - Tiềm năng vẫy gọi. Kết thúc Lễ hội là màn bắn pháo hoa tầm cao kéo dài 15 phút tại hồ Công viên Văn Lang.


Các nghệ nhân 4 phường Xoan gốc: Thét, Kim Đới, Phù Đức, An Thái và các hạt nhân
của phường Xoan Thọ Sơn tham gia diễn xướng.



Trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016, Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì đã khơi dậy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; tôn vinh nét đẹp văn hóa của từng địa phương; tích cực quảng bá tiềm năng du lịch và các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của thành phố Việt Trì; khẳng định nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong việc xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam…

Chi tiết

Hàng triệu người chen lấn dâng hương

Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn đã xảy ra khi đông đảo người dân đến Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) để dâng hương.


Sáng 16.4, hàng vạn người cùng xô đẩy để lên núi trên con đường bậc thang khá hẹp, lực lượng công an, cảnh sát cơ động phải di tản hàng trăm em nhỏ khỏi biển người đang chen lấn lên khu vực thoáng mát, chờ gia đình đến đón. Các cụ già cũng phải nhờ sự trợ giúp của cảnh sát mới thoát khỏi được đám đông chen lấn.
Bất chấp lời kêu gọi của lực lượng chức năng, người dân đi hội không ngừng xô đẩy, hò hét, chen lấn, nhiều người đã ngất xỉu giữa đám đông. Trạm y tế di động đặt ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh phải làm việc hết công suất để cấp cứu những du khách bị ngất xỉu do chen lấn.
Bà Bùi Thị Huệ (63 tuổi, ở TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phú) cùng người thân trong gia đình đi dự lễ cho biết: “Tôi và người thân đến khu di tích từ tờ mờ sáng, nhưng chen chân mấy tiếng đồng hồ mới đến được khu vực chân núi Nghĩa Lĩnh. May mắn có lực lượng công an dìu lên, ưu tiên cho đi trước nếu không thì chẳng đủ sức chen lấn trong đám đông”.
Trong khi đó, để tránh dòng người đang ùn ùn chen lấn, nhiều người bất chấp nguy hiểm leo núi, băng rừng đi tắt để lên khu vực đền Thượng. Theo ghi nhận của chúng tôi, ban tổ chức đã bố trí rất đông lực lượng an ninh tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh, dọc lối đi lên đền Thượng, nhưng cũng không ngăn cản được dòng người liều lĩnh băng rừng để đi lên các khu vực hành lễ.
Sáng cùng ngày (16.4) đã xuất hiện cơn mưa nhỏ khiến đất rừng trơn trượt, nhưng người dân vẫn bất chấp để đi, nhiều gia đình còn đưa cả con nhỏ leo rừng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phú Thọ, cho biết có khoảng 5,5 triệu lượt khách đã về đền Hùng trước ngày chính giỗ. Trong ngày 16.4 (10.3 âm lịch) có khoảng 2 triệu lượt du khách, nâng tổng số lượt người dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương năm nay lên hơn 7 triệu lượt.

Khách đi nghỉ lễ tăng cao
Sáng 16.4 tại ga Sài Gòn rất đông người đến mua vé. Theo một số nhân viên ga Sài Gòn, khách chủ yếu mua vé đi các ga chặng ngắn như Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa)... Trong khi đó, Bến xe Miền Đông sáng cùng ngày nhiều người cũng đến bến mua vé. Hầu hết khách cũng mua vé đi các chặng đường gần như Đồng Xoài (Bình Phước), Phan Thiết (Bình Thuận), Bà Rịa-Vũng Tàu, Nha Trang (Khánh Hòa)...
Các hãng xe có chặng dài hơn như Phi Long (Huế), Bình Tâm, Chín Nghĩa (Quảng Ngãi)... rất ít người mua. Nhiều hãng xe tại bến đã kê khai giá cước tăng phụ thu từ 20 - 40% như Kumho Samco Buslines có tuyến đi Buôn Ma Thuột, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Nông, An Khê (Gia Lai)... Còn tại Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) chiều cùng ngày, lượng người tập trung về bến đi lại cũng tăng cao.     
Đình Mười - An Huy
Nguồn tin: thanhnien.vn

Chi tiết

Bảo tồn di sản hát Xoan bằng công nghệ

Là di sản quý của dân tộc nhưng hát Xoan Phú Thọ vẫn đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền bởi nhiều nguyên nhân.


Trước thực trạng này, Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ và các nhà nghiên cứu đã đưa ra giải pháp số hóa giúp mở ra một hướng đi mới trong công tác bảo tồn di sản.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: Dự án số hóa, tư liệu hóa di sản hát Xoan vừa được triển khai thành công giúp nghiên cứu, sưu tầm, thống kê toàn diện, đầy đủ các tư liệu, hiện vật về di sản hát Xoan Phú Thọ tại các cơ quan lưu trữ, các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương. Việc thực hiện số hóa tư liệu này còn nhằm thu thập, bổ sung tư liệu tương đối đầy đủ về di sản Hát Xoan, góp phần phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, dự án đã hoàn thiện, các tư liệu hát Xoan được đưa lên mạng tại địa chỉ http://baotanghungvuong.vn/hatxoan. Dự án sưu tầm được 5 bài bản hát Xoan chữ Hán, chữ Nôm; 30 băng đĩa ghi hình, băng ghi âm, ghi hình điền dã trong thời gian lập hồ sơ hát Xoan; 200 ảnh tư liệu hát Xoan tại Hà Nội và những năm 70 của thế kỷ XX và nhiều tư liệu quan trọng khác.

Dự án sưu tầm tư liệu, hiện vật tại gia đình các nghệ nhân ở 4 phường Xoan gốc thuộc xã Kim Đức, Phượng Lâu của thành phố Việt Trì, 23 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, nhạc sỹ Lương Nguyên, nhạc sỹ Cao Khắc Thùy, Tú Ngọc, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài kỹ thuật số VTC, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ…

Sau khi tập hợp, các hiện vật và tư liệu sưu tầm được đưa vào bộ phận kho kiểm kê - bảo quản để phân loại, xử lý tư liệu, hiện vật. Các tư liệu sau khi đã biên soạn nội dung được nhập vào phần mềm quản lý tra cứu gồm địa điểm, không gian văn hóa, nghệ thuật trình diễn, bảo tồn và phát huy, nghệ nhân, người truyền dạy, lịch sử và phong tục, bài bản hát Xoan, ảnh tư liệu, video, hiện vật, văn bản, tư liệu nghiên cứu.

Bà Nguyễn Mai Thoa, Phó Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương cho biết: Để triển khai thành công dự án, Bảo tàng Hùng Vương gặp rất nhiều khó khăn. Khó từ công nghệ, kỹ thuật đến cả nhân lực. Các tư liệu về di sản hát Xoan nằm rải rác ở các trung tâm lưu trữ, nhà xuất bản, thư viện, viện nghiên cứu, báo chí Trung ương, địa phương… công tác thu thập tư liệu mất nhiều thời gian và nguồn nhân lực. Một số cơ quan, đơn vị yêu cầu về kinh phí mua tư liệu khá cao. Các nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, một số cụ đã mất nên việc khai thác, sưu tầm gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, các nguồn tài liệu liên quan đến di sản văn hóa hát Xoan tản mát, phân tán ở các kho lưu trữ, thư viện, tủ sách tư nhân trong và ngoài nước. Do vậy, việc sưu tầm, hệ thống hóa đầy đủ các nguồn tài liệu trên cũng là một trong những nhiệm vụ cần thiết phải triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tiến hành điều tra kiểm kê di sản hát Xoan bằng các phương pháp như phỏng vấn, ghi hình, ghi âm, ghi chép tư liệu, lập biểu mẫu kiểm kê, tổng hợp hệ thống hóa tư liệu - đây là một trong những quy định bắt buộc của Công ước UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể…

Để việc số hóa di sản hát Xoan đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Bảo tàng Hùng Vương và các nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra, sưu tầm, kiểm kê tư liệu di sản hát Xoan trong và ngoài tỉnh; khảo sát, gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân cũng như các cộng đồng lưu giữ di sản văn hóa hát Xoan; sao chép các tài liệu về văn hóa hát Xoan bằng máy quay phim HD, DVCAM, máy ảnh kỹ thuật số, băng, đĩa ghi âm để lưu giữ tại các cơ quan Trung ương và địa phương như Viện Âm nhạc Việt Nam, Bảo tàng Hùng Vương, Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; khai thác kiến thức, kỹ năng hát Xoan của các nghệ nhân cùng với lý lịch cá nhân của họ để thu băng, quay phim, chụp hình...

Đào An (TTXVN)
Chi tiết

EU tái khẳng định lập trường cứng rắn về Brexit

NDĐT - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 29-8 khẳng định, các vòng đàm phán về mối quan hệ thương mại giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh sau khi nước này rời khỏi “mái nhà chung” chỉ có thể khởi động sau khi các vấn đề liên quan đến “cuộc ly hôn” này được giải quyết.


NDĐT - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 29-8 khẳng định, các vòng đàm phán về mối quan hệ thương mại giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh sau khi nước này rời khỏi “mái nhà chung” chỉ có thể khởi động sau khi các vấn đề liên quan đến “cuộc ly hôn” này được giải quyết.
Trong tuần này, Anh và Ủy ban châu Âu đang tiến hành vòng đàm phán thứ ba về Brexit. Trước đó, EU cho rằng, nội dung của vòng đàm phán này phải tập trung vào ba vấn đề: quyền của công dân EU và Anh đang sống ở nước ngoài, một thỏa thuận tài chính, vấn đề biên giới Ireland/Bắc Ireland.
“…Tôi đã tập trung đọc mọi văn bản do Chính phủ Anh công bố nhưng không thỏa mãn với bất cứ văn bản nào, bởi vì chúng đề cập quá nhiều vấn đề cần được giải quyết”, ông Juncker phát biểu trước các đại sứ của EU.
Ông Juncker nói thêm: “Chúng ta cần phải thể hiện chắc chắn rằng, chúng ta sẽ không đàm phán về mối quan hệ kinh tế, thương mại mới giữa Anh và EU trước khi mọi ba vấn đề được giải quyết. Đây là cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU. Chúng ta không thể trộn tất cả những vấn đề này lại với nhau”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu còn khẳng định, EU và Anh phải tháo gỡ những tồn đọng trong quá khứ trước khi hướng tới tương lai.
* Cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên hiệp châu Âu (EU) Michael Barnier bày tỏ quan ngại về tiến trình đàm phán và hối thúc nước Anh bắt đầu “nghiêm túc đàm phán”. Động thái này diễn ra khi vòng đàm phán thứ ba về Brexit giữa EU và Anh vừa được kích hoạt tại Brussels.
Ông Barnier bày tỏ hoan nghênh các văn bản thể hiện quan điểm của Chính phủ Anh về Brexit và cho biết đã đọc rất kỹ những tài liệu này. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán của EU nhấn mạnh: “Chúng tôi cần biết lập trường của nước Anh về mọi vấn đề chung quanh việc rời khỏi EU. Điều này là cần thiết để đạt được bước tiến quan trọng. EU và Anh phải bắt đầu đàm phán một cách nghiêm túc. Chúng tôi cần những văn bản rõ ràng từ phía Anh để triển khai những vòng đàm phán mang tính xây dựng. Càng sớm loại bỏ sự mơ hồ, hai bên sẽ càng nhanh chóng thảo luận về mối quan hệ giữa EU và Anh trong tương lai và tiến tới giai đoạn chuyển tiếp”.
Tác giả bài viết: H.H Theo: Reuters, The Guardian
Nguồn tin: www.nhandan.com.vn
Chi tiết

Phú Thọ: Cụm công nghiệp Đồng Lạng cháy trong đêm

Vào khoảng 21h ngày 27/8, một vụ cháy lớn xảy ra tại xưởng sản xuất mì ăn liền – Công ty TNHH Paldo Vina, Cụm công nghiệp Đồng Lạng, huyện Phù Ninh. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại nặng về tài sản, ước tính đến hàng tỷ đồng.


Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ, trang thiết bị, phương tiện cứu hỏa… và đội PCCC của Tổng công ty Giấy Việt Nam để nhanh chóng tiếp cận hiện trường triển khai chữa cháy. Nhưng do bên trong nhà máy rất nhiều nguyên, vật liệu như: Mỳ sợi, dầu ăn, nilon…  dễ cháy nên ngọn lửa đã bùng phát rất nhanh và mạnh. Mặt khác do diện tích nhà xưởng rộng, nhiều mái tôn đã bị rớt xuống sàn nhà, cản trở việc tiếp cận các khu vực cháy của lực lượng PCCC, khiến công tác cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh Phú Thọ) đã huy động hàng chục xe chữa cháy cùng hàng chục lính cứu hỏa đến hiện trường, khẩn trương dập tắt đám cháy. Huyện Phù Ninh cũng huy động thêm 2 xe chữa cháy của Tổng Công ty giấy Việt Nam đến để tham gia dập lửa. Tuy nhiên do đám cháy quá lớn, các lượng lượng chức năng đã rất nỗ lực cùng với sự hỗ trợ của người dân về nguồn nước nhưng phải đến khoảng 23 giờ ngày 27/8, đám cháy mới được khống chế. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Được biết, Công ty TNHH Paldo Vina là doanh nghiệp chuyên sản xuất mỳ của Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng. Công ty hiện đang lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất mới để nâng công suất từ 70 triệu gói mỳ lên 270 triệu gói một năm.
Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Nguồn tin: moitruong.net.vn

Chi tiết