PTĐT- Cách trung tâm huyện khoảng 6km, xã Xuân Thủy có 12 khu, 1.100 gia đình với gần 5.000 nhân khẩu. Từ khi triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến nay, xã đã hoàn thành 12 tiêu chí, còn 7 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông, thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường và cơ sở vật chất nhà văn hóa, giáo dục. Theo kế hoạch, đến năm 2020 xã sẽ đạt chuẩn NTM, tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đó, xã còn nhiều khó khăn phải vượt qua.
Đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn vốn huy động lồng ghép các nguồn lực để xây dựng NTM được 17 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT cho bà con. Đồng chí Đinh Ngọc Khuyên - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong năm nay xã sẽ phấn đấu đạt tiêu chí thứ 5 về trường học và tiến tới là các tiêu chí như nhà ở dân cư, thu nhập và môi trường”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề khó khăn nhất đối với xã hiện nay là thực hiện tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Xuân Thủy là xã thuần nông, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 18 triệu đồng/người/năm, kế hoạch đặt ra năm 2017 là 20 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 là 25 triệu đồng/người/năm.
Để đạt được con số này, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo chương trình sản xuất nông nghiệp cơ bản theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra. Trong đó tập trung công tác khuyến nông, dịch vụ nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, vật tư phân bón, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất, lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa phương... Cùng với chương trình xây dựng NTM, kết hợp với các chương trình, dự án, xã đã mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao KHKT, áp dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Đến nay, các hộ dân đã chuyển dần sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa.
Chúng tôi vào thăm khu 10, 11, 12 (còn gọi là xóm Đù), nơi đại đa số các hộ dân là đồng bào dân tộc Dao và cảm nhận rõ nét sự khác xa so với những năm về trước của xóm Đù. Hiện nay, đường giao thông được bê tông hóa đến 90%, người dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, điện lưới Quốc gia kéo về đến tận hộ. Bà con nơi đây không còn phát nương làm rẫy, mà họ đã biết dựa vào rừng để làm giàu như trồng cây lâm nghiệp kết hợp với cây ngắn ngày và thực hiện tốt ký cam kết bảo vệ rừng. Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đến nay hộ nghèo toàn xã đã giảm còn 19,5%, góp phần giải quyết tiêu chí hộ nghèo và thu nhập bình quân.
Đối với tiêu chí về giao thông, hiện tại toàn xã có 58km đường trục xã, thôn, ngõ xóm đã xây dựng được 12,3km đường bê tông. Đây là một trong những thách thức không nhỏ của xã đối với xây dựng NTM vì xã có địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, hệ thống giao thông nội đồng, thôn, xóm đều phải làm mới, trong khi nguồn lực đầu tư chủ yếu trông chờ từ các nguồn vốn được cấp nên tiêu chí này phải đến năm 2020 mới hoàn thành. Mặc dù 100% khu dân cư trong xã có nhà văn hóa, song mới chỉ có 5 nhà đạt chuẩn còn lại đã xuống cấp. Số nhà ở chưa đạt chuẩn chủ yếu là các hộ nghèo, hộ mới tách, kinh tế còn khó khăn. Đối với tiêu chí về chợ dù đã đạt nhưng chợ Xuân Thủy được xây dựng từ năm 2003 bằng nguồn vốn 135 với diện tích 4.000m2, hiện nay mặt bằng của chợ chưa đảm bảo vì một nửa diện tích phía sau thấp hơn phía trước khoảng 2m. Theo nguyện vọng của bà con cần có sự đầu tư, nâng cấp để đảm bảo việc mua bán giao thương.
Qua 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, người dân Xuân Thủy đã hiến 37 nghìn m2 đất làm đường, phá bỏ 300m2 tường rào và 3.500 ngày công. Điều kiện kinh tế của xã và nhân dân còn khó khăn, trong khi đó, nguồn vốn xây dựng tiêu chí giao thông là rất lớn đòi hỏi Xuân Thủy cần có chủ trương, giải pháp thiết thực, nhất là việc xã hội hóa, huy động nguồn lực từ con em địa phương đang công tác ở ngoài để sớm đưa xã về đích NTM theo đúng lộ trình.
Thúy Hằng